Tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày
Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết của mỗi người. Tuy nhiên phần lớn mọi người đều chưa thật sự sóc răng miệng đúng cách. Một số sai lầm thường gặp khi chăm sóc răng miệng bao gồm đánh răng quá mạnh, không sử dụng bàn chải phù hợp, nghĩ rằng mọi nước súc miệng đều giống nhau,… Những sai lầm trên không chỉ khiến xuất hiện các vấn đề về răng miệng mà còn dễ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác.
1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày
Miệng chính là cổng vào của cơ thể, do đó tình trạng răng miệng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn. Một chế độ chăm sóc răng miệng tốt sẽ mang lại cho bạn những lợi ích tuyệt vời như:
1.1. Sở hữu hàm răng trắng sáng, ngăn ngừa nguy cơ bị sâu răng
Chăm sóc răng miệng đúng cách giúp loại bỏ các mảng bám và sự tích tụ của vi khuẩn trong khoang miệng hiệu quả. Nhờ đó giúp phòng tránh các nguy cơ gây mất răng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu... Đặc biệt, việc chăm sóc răng miệng hàng ngày còn có tác dụng hạn chế tình trạng răng bị ố vàng do sự bám màu của các thực phẩm bạn dùng hàng ngày.
1.2. Ăn nhai tốt hơn
Chất lượng răng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn nhai của bạn. Trên thực tế, tình trạng răng bị suy yếu vẫn có thể xảy ra với những người trẻ nếu không chăm sóc răng tốt. Do đó bạn cần chú ý đến cách vệ sinh răng miệng đúng cách để thoải mái thưởng thức những loại thực phẩm mà mình yêu thích về lâu dài.
1.3. Ổn định hoặc phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm
Bệnh tiểu đường
Các vấn đề về nướu, đặc biệt là viêm nha chu có mối liên hệ khăng khít với bệnh tiểu đường. Theo đó, những người bị tiểu đường thường có nguy cơ bị viêm nha chu cao. Đồng thời viêm nha chu sẽ làm bệnh tiểu đường phức tạp hơn nữa.
Giải thích về mối quan hệ hai chiều này, Pamela McClain - chủ tịch của Viện Hàn lâm Nha khoa Mỹ - cho biết, viêm nha chu sẽ làm hạn chế sự chuyển đổi Insulin của cơ thể. Trong khi đó, Insulin lại là loại hoocmon giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách dự trữ đường ở gan và chỉ giải phóng đường khi lượng đường trong máu thấp hoặc khi cơ thể cần nhiều đường. Vì thế, những người mắc hoặc không mắc bệnh tiểu đường đều cần có chế độ chăm sóc răng miệng tốt để tránh làm ảnh hưởng đến sự chuyển đổi Insulin của cơ thể, giúp ổn định lượng đường trong máu tốt hơn.
Bệnh tim
Về lý thuyết, tình trạng viêm răng miệng có thể gây ra viêm trong mạch máu. Từ đó, các mạch máu bị viêm sẽ làm giảm sự di chuyển của các tế bào máu giữa tim và phần còn lại của cơ thể. Do đó khiến người người bệnh dễ bị tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, các mảng bám chất béo cũng có khả năng phá vỡ thành mạch máu và di chuyển đến tim hoặc não. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra những cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Các bệnh khác
- Viêm khớp dạng thấp: Mối liên quan giữa bệnh răng miệng và viêm khớp dạng thấp đã được nghiên cứu vào đầu những năm 1820. Theo đó, chữa dứt các bệnh về răng miệng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau cho những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp .
- Bệnh về phổi: Các bệnh về răng miệng có thể làm tăng số lượng vi khuẩn trong phổi, khiến cho tình trạng viêm phổi và bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tồi tệ hơn.
- Béo phì: Tương tự như tiểu đường, các vấn đề về răng miệng là nguy cơ làm tăng lượng mỡ trong máu và ngược lại.
1.4. Bảo tồn trí nhớ và khả năng nhận thức
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Thần kinh học, phẫu thuật thần kinh và tâm thần của Anh (Journal of Neurology, Neurosurgery & Psychiatry) cho thấy rằng, người có vấn đề về răng miệng, đặc biệt là người lớn tuổi có trí nhớ và các khả năng nhận thức kém hơn so với người có răng miệng khỏe mạnh. Vì thế việc chăm sóc răng miệng khi còn trẻ là việc làm cần thiết để bảo tồn trí nhớ và khả năng nhận thức khi lớn tuổi.
1.5. Giúp tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống
Một chế độ chăm sóc răng miệng tốt sẽ phòng tránh được tình trạng sâu răng và bệnh nướu răng. Điều này không chỉ tạo độ thẩm mỹ cho toàn bộ khuôn mặt mà còn giúp hơi thở của bạn không có mùi khó chịu. Hơn thế nữa, răng miệng khỏe mạnh còn mang đến bạn sự thoải mái, ngủ ngon và khả năng tập trung làm việc hoặc học tập tốt hơn.
1.6. Đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi
Những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu ở phụ nữ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong tử cung, khiến bé bị sinh non hoặc nhẹ cân hơn bình thường. Vì thế phụ nữ được khuyến nghị nên kiểm tra tình trạng răng miệng khi khám tiền mang thai hoặc khám trong khi mang thai để phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời tình trạng viêm nha chu.
2. Những sai lầm khi chăm sóc răng miệng
- Uống nước ngọt không đường không hại răng: Mặc dù là các nước ngọt không đường nhưng axit trong các sản phẩm này vẫn rất cao (độ pH ở mức khoảng 3,2). Khi kết hợp cùng với chất phụ gia giúp tạo hương vị như như chanh, cam, dâu,… các sản phẩm này vẫn có thể làm mòn men răng tương tự như nước ngọt có đường bình thường.
- Sử dụng nước súc miệng theo ý thích: Nước súc miệng là sản phẩm hỗ trợ giúp làm sạch răng miệng và loại bỏ các mảng bám trên răng. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều lần trong 1 ngày có thể làm thay đổi môi trường cân bằng vùng miệng và diệt những vi khuẩn có lợi ở trong khoang miệng.
- Đánh răng quá kỹ, chà xát mạnh sẽ sạch răng: Mảng bám ở răng khá mềm và lỏng. Việc đánh răng quá kỹ hoặc chà xát mạnh không chỉ không sạch răng hơn mà còn có nguy cơ làm tổn thương nướu.
- Đánh răng ngay sau khi ăn: Sau khi ăn, trong miệng của bạn sẽ có chứa đầy axit. Đánh răng ngay sau khi tức là bạn đang góp phần giúp axit hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, từ đó khiến răng bị mòn nhanh hơn.
- Đánh răng trong khi tắm: Khi đang tắm, những vùng bị khuất như mặt răng trong hay vùng lưỡi thường hay bị bỏ qua. Hơn thế nữa, vi khuẩn từ nước khi đang tắm có thể lẫn vào bàn chải, khiến chúng còn bẩn hơn. Về lâu dài, hành động đánh răng trong khi tắm có thể làm xuất hiện nhiều vấn đề về răng miệng.
- Bàn chải lông cứng sẽ tốt hơn: Trên thực tế, bàn chải có lông cứng sẽ không có tác dụng loại bỏ mảng bám tốt hơn bàn chải long mềm. Khi kết hợp cùng việc đánh răng quá kỹ, loại bàn chải này sẽ gây ra nhiều cảm giác khó chịu trong suốt quá trình chải răng.
- Chỉ đến nha sĩ khi răng sâu, răng đau: Đây là một trong những quan niệm sai lầm mà nhiều người mắc phải. Có rất nhiều vấn đề về răng miệng có tiến triển âm thầm, nhất là viêm nha chu. Phát hiện trễ các vấn đề răng miệng sẽ khiến bạn tốn nhiều chi phí và thời gian để điều trị hơn.
3. Hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách
3.1. Lựa chọn bàn chải đánh răng
- Ưu tiên chọn bàn chải có lông mềm hoặc các loại bàn chải được đề nghị bởi các nha sĩ.
- Thay bàn chải 2 – 3 tháng/lần.
3.2. Cách đánh răng khoa học
- Sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride: Fluoride là chất giúp ngăn ngừa sâu răng và hình thành xương mới thường có trong các sản phẩm kem đánh răng. Tuy vậy bạn không nên quá lạm dụng chất này vì nó có thể làm răng bị đổi màu. Lượng kem đánh răng có chứa Fluoride được khuyên dùng theo từng độ tuổi như sau:
- Không nên đánh răng quá mạnh. Thay vào đó hãy đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi.- Làm sạch răng và dọc theo đường nướu răng.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (đặc biệt là sáng và tối trước khi ngủ), mỗi lần kéo dài từ 2 – 3 phút.
- Sau khi đánh răng cần nhổ kem đánh răng, không nuốt nó. Đồng thời súc miệng lại bằng nước sạch.
- Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần trong ngày.
3.3. Sử dụng nước súc miệng một cách thông minh
- Chọn nước súc miệng phù hợp: có chứa Fluor và không có chất alcohol.
- Dùng sau khi đánh răng. Không dùng nước súc miệng quá 2 – 3 lần/ngày.
- Nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng.
- Sau khi dùng nước súc miệng, bạn không nên ăn sau khoảng nửa giờ.
- Lưu ý không được nuốt nước súc miệng.
- Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
Bạn có thể chăm sóc răng miệng cho cả nhà bằng 10 bí quyết đơn giản dưới đây:
1. Bắt đầu vệ sinh răng từ nhỏ
Mặc dù đã có bước tiến dài trong việc bảo vệ răng khỏi sâu, nhưng tỷ lệ sâu răng ở trẻ em vẫn còn cao. Khoảng 1 trong 4 trẻ có các triệu chứng của sâu răng khi bắt đầu đến trường, một nửa số trẻ từ 12–15 tuổi có các lỗ sâu trên răng.
Vì thế, chăm sóc răng miệng cần được bắt đầu sớm ngay từ khi chiếc răng đầu tiên mọc lên ở trẻ, thường là vào 6 tháng tuổi. Bạn có thể giúp trẻ đánh răng bằng bàn chải thật mềm, hay miếng gạc sạch ẩm. Và khi trẻ được 2 tuổi, bạn có thể để con mình tự đánh răng dưới sự quan sát và hướng dẫn của người lớn.
2. Trám phòng ngừa sâu răng
Răng hàm sẽ mọc vào khoảng 6 tuổi và trám một lớp bảo vệ mỏng trên bề mặt nhai của răng có thể giúp phòng ngừa sâu răng phát triển ở các khe và hố rãnh. Theo Cục quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì các chất trám răng này có thể giảm tỷ lệ sâu răng. Bạn có thể gặp nha sĩ để được tư vấn kỹ hơn về chất trám răng sealant nhé.
Lưu ý sau khi trám răng, bạn nên tránh ăn các loại thực phẩm quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến cho miếng trám dễ bị bong tróc. Bạn nên ăn các loại thức ăn mềm và dễ nhai như súp, cháo và uống các loại nước không có màu để bảo đảm tính thẩm mỹ của răng mới trám.
3. Sử dụng vừa đủ lượng fluor
Chất fluor chính là tiến bộ lớn trong sức khỏe răng miệng giúp tăng cường sự bền vững của men răng và giảm sâu răng. Rất nhiều kem đánh răng và nước súc miệng đều chứa fluor. Tuy nhiên, ở trẻ em nên cẩn thận khi sử dụng quá nhiều fluor, bạn chỉ nên cho kem đánh răng trên bàn chải với kích thước khoảng hạt đậu Hà Lan, vì quá nhiều sẽ khiến răng trẻ có đốm trắng.
4. Đánh răng ngày 2 lần mỗi ngày
Bệnh về nướu và sâu răng là hai vấn đề lớn và thường gặp. Không chỉ với người lớn tuổi mà 3/4 các thanh thiếu niên có nướu bị chảy máu khi đánh răng, vì thế bạn nên:
Thay đổi bàn chải đánh răng 3–4 lần trong năm
Đối với bạn niềng răng cần sử dụng bàn chải đặc biệt và các dụng cụ vệ sinh răng khác theo hướng dẫn của nha sĩ
Người lớn tuổi bị viêm khớp hay các vấn đề sức khỏe khác khiến bạn khó cầm bàn chải đánh răng, có thể dùng bàn chải điện.
5. Súc miệng ngay sau khi ăn
Bên cạnh việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa, súc miệng với nước súc kháng khuẩn có thể giúp bạn ngăn ngừa sâu răng và bệnh về nướu. Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn cũng có thể tăng tiết nước bọt, giúp làm sạch vi khuẩn bám trên răng và trung hòa axit.
6. Mang dụng cụ bảo vệ hàm răng
Thể thao và các hoạt động giải trí có thể gây tổn thương cho răng. Hầu hết các trung tâm thể thao ở trường đều yêu cầu trẻ em mang dụng cụ bảo vệ hàm. Hãy đến gặp nha sĩ để có thể tạo một dụng cụ bảo vệ hàm cho bạn hay bạn có thể mua ở các cửa hàng bán đồ thể thao.
7. Không nên hút thuốc
Thuốc lá làm biến màu răng của bạn và gia tăng các bệnh về nướu cũng như gây ung thư vòm miệng. Vì thế, bạn nên cai thuốc lá và khuyên con không nên hút thuốc.
8. Ăn uống lành mạnh
Dù bạn ở tuổi nào, một chế độ ăn uống lành mạnh luôn có lợi cho sức khỏe răng miệng và nướu của bạn. Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng với thực phẩm tươi sống như ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, trái cây và rau củ, các sản phẩm từ sữa sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bạn. Một số nhà khoa học tin rằng omega-3 trong cá có thể giảm viêm, nên sẽ giảm nguy cơ bệnh về nướu.
9. Tránh xa đồ ngọt
Khi vi khuẩn trong miệng tiêu hóa đường trong thức ăn, chúng sẽ sinh ra acid có thể ăn mòn men răng, khiến răng bạn bị sâu. Những loại nước ngọt, nước trái cây là mối nguy hại cho răng vì mọi người thường có khuynh hướng nhâm nhi các loại nước ngọt làm gia tăng lượng axit trong thời gian dài.
Nước uống có ga cũng là một nguy cơ vì cacbon trong nước có ga làm tăng tính axit trong miệng. Kẹo dẻo cũng là một thủ phạm gây hại cho răng vì kẹo thường sẽ bám dính trên bề mặt của răng bạn. Vì thế, tốt nhất là bạn hãy khuyên con mình tránh những món đồ ngọt nhé.
10. Khám nha sĩ định kỳ
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên khám nha sĩ mỗi 6 tháng và thường xuyên hơn nếu bạn có vấn đề về răng nướu. Khi khám nha sĩ, bạn sẽ được cạo vôi răng đồng thời được thăm khám và phát hiện các vấn đề sau:
• Dấu hiệu sớm của ung thư miệng. 9 trên 10 trường hợp ung thư miệng có thể được điều trị nếu phát hiện sớm. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, ung thư sẽ di căn và khó điều trị hơn.
• Mòn răng do nghiến răng khi ngủ. Đây là một rối loạn do căng thẳng hay lo âu. Qua thời gian, răng bạn sẽ bị bào mòn bề mặt nhai, tăng khả năng sau răng.
• Bệnh về nướu. Bệnh nướu gồm nha chu hay viêm nướu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn tuổi. Không may là khi mọi người phát hiện ra bệnh nha chu thì đều đã quá trễ để chữa trị.
• Tương tác với thuốc. Người lớn tuổi, đặc biệt có nhiều bệnh, là nguy cơ của tình trạng khô miệng. Việc giảm tiết nước bọt có thể là nguy cơ của sâu răng và bệnh nướu. Có khoảng 800 loại thuốc khác nhau gây tình trạng trên, vì thế bạn nên thông báo cho nha sĩ loại thuốc bạn đang dùng để thay đổi thuốc hay sử dụng nước súc miệng tương tự nước bọt.
Với những thói quen và bí quyết đơn giản trên, bạn có thể bảo vệ bản thân và thành viên trong gia đình khỏi các bệnh răng miệng thông thường. Bạn hãy thay đổi từ bây giờ để chăm sóc răng miệng cho cả nhà nhé!